Tin Bưu chính trong nước
Ngành Bưu Điện và cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945
03/09/2012 12:10 PM (2857 Lượt xem)
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân ta sôi nổi thi đua phấn đấu chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, mỗi cán bộ công nhân viên của ngành Bưu Điện không khỏi xúc động, tự hào về những đóng góp của các thế hệ đi trước với lịch sử giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

 

 


Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ (tháng 8/1945)

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong suốt giai đoạn lịch sử hào hùng đó, thông tin Bưu Điện luôn có mặt như một lực lượng mũi nhọn phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Một trong những dấu ấn đậm nét trong lịch sử hào hùng của ngành Bưu Điện đó là phục vụ cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945.

 

Ngày 9/8/1945, sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Đức, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ, quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Chiến tranh Thái Bình Dương, Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt. Việc gần một triệu quân Quan Đông thiện chiến nhất của Nhật bị tiêu diệt đã tác động mạnh đến tinh thần quân Nhật ở Đông Dương. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim cùng với các hạng tay sai khác của Nhật đều hoang mang tan rã.

 

Điều kiện khách quan cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã hoàn toàn chín muồi, "thời cơ ngàn năm có một" đã đến, trong lúc điều kiện chủ quan của ta hết sức thuận lợi. 

 

 

 

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Về công tác giao thông, Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ:

 

1. Phải đặc biệt chú trọng củng cố giữa các Xứ và các cấp đảng bộ.

 

2. Tích cực tổ chức giao thông trong các ngành vận tải.

 

3. Lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ.

 

Ngay từ khi mới được thành lập, Ban Giao thông chuyên môn đã nhanh chóng tổ chức hệ thống thông tin liên lạc để phục vụ cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, đêm 13/8/1945 Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra "Quân lệnh số 1" hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Anh chị em giao thông ở căn cứ Tân Trào cũng lên đường mang "lệnh" đi các nơi. Các đài thu phát tin được lệnh mở liên tục và khi có tình hình mới phải lập tức báo cáo về đại bản doanh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, anh chị em giao thông chuyển sách báo, tài liệu, xuất bản công khai hay bí mật ở Hà Nội. Vũ khí thu mua ở các nơi được chuyển lên khu giải phóng mỗi ngày một nhiều.

 

Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa. Từ những ngày đầu tháng, lực lượng giao thông Hà Nội đã phát hành rộng rãi các loại báo của Đảng như: Cờ Giải phóng, Cứu Quốc, Độc Lập... trong quần chúng. Một số công sở của địch kể cả sở cảnh sát cũng được anh em bí mật phát báo tận nơi. Một đường dây mới được lập để chuyển vũ khí vào nội thành: tuyến Bưởi - Cầu Giấy - Canh - Diễn.

 

 

 
Khởi nghĩa Tháng 8-1945 ở Tỉnh lỵ Tân An. 
(Tranh Huỳnh Văn Gấm - Nguồn: Internet)


Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào có các đại biểu Bắc, Trung, Nam và kiều bào ở nước ngoài về dự. Nhiều đại biểu phải đi bộ hàng tháng trời trên những tuyến đường dây khác nhau mới đến nơi, tuyến cuối cùng đưa dẫn các đại biểu đến Tân Trào là: Đình Bảng (Bắc Ninh) - Yên Phong - Hiệp Hòa (Bắc Giang) - Phú Bình (Thái Nguyên) rồi qua Tuyên Quang. Quốc dân đại biểu nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Theo lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, nhân dân ta từ Bắc chí Nam nhất tề vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ. Rút kinh nghiệm trong 15 năm kể từ ngày thành lập Đảng (1930) qua các cao trào cách mạng: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bắc Sơn khởi nghĩa, lực lượng giao thông chỉnh đốn hàng ngũ lên đường phục vụ. Anh chị em ghi lòng tạc dạ lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".

 

Ngày 16/8/1945, Thành ủy Hà Nội quyết định ngày khởi nghĩa: ngày 19/8/1945. Ngày 17/8/1945, lực lượng giao thông lên đường mang chỉ thị, kế hoạch khởi nghĩa vào các cơ sở nội, ngoại thành. Đến ngày khởi nghĩa, hơn 10 vạn người ở ngoại thành được anh chị em giao thông dẫn đường kéo vào nội thành dự cuộc mít tinh. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tiến chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính, chiếm các trại lính, cảnh sát, các công sở trọng yếu. Việc liên lạc giữa Ủy ban Quân sự cách mạng ở số nhà 101 đường Giăm-bét-ta (nay là đường Trần Hưng Đạo) với các khối quần chúng, các đội tự vệ, các đội xung phong được giao cho lực lượng giao thông đảm nhiệm. Nhiều tình huống đột xuất xảy ra được anh chị em báo cáo nhanh chóng với Ủy ban Quân sự cách mạng để có biện pháp xử lý. Trong vệc tiến chiếm trại bảo an, quần chúng và các đội tự vệ gặp khó khăn. Bọn Nhật đem lính và xe tăng đến định uy hiếp quần chúng, ủy ban Quân sự cách mạng đã huy động thêm nhân dân đến gây áp lực, đến 4 giờ chiều chúng phải rút lui và nhận những điều kiện của ta.

 

Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã động viên mạnh mẽ phong trào khởi nghĩa trong cả nước.

 

Ở chiến khu Đông Triều từ tháng 7/1945, một số viên chức ở Bưu Điện Quảng Yên được giác ngộ đã tổ chức cắt đường điện thoại, điện tín của địch. Ngày 20/7, chị Bích - giao thông viên mang thư của đồng chí Nguyễn Bình (Tư lệnh chiến khu Đông Triều) kêu gọi tên Quản Tiếp ở đồn Quảng Yên ra hàng. Cửa đồn đã không mở còn đe dọa bắn chết người đưa thư. Không sợ, chị buộc thư vào đá ném qua cửa đồn, binh lính nhặt được chuyền tay nhau đọc, hiểu rõ tình hình binh lính kéo nhau ra hàng. Khi có lệnh khởi nghĩa từ ngày 20/8/1945, anh chị em giao thông đi suốt từ Tràng Bạch, Phả Lại, Mạo Khê, Đông Triều, Uông Bí, Thủy Nguyên, Thanh Hà... chuyển bản kế hoạch khởi nghĩa và tài liệu cho các cơ sở Đảng và quần chúng. Anh chị em còn tìm cách chắp nối để các đồng chí lãnh đạo từ chiến khu liên lạc với Thành ủy Hải Phòng bàn việc phối hợp giành chính quyền ở Hải Phòng vào ngày 21/8/1945.

 

Ở Huế, từ đêm 22 và ngày 23/8/1945, lực lượng giao thông cùng với các đội tuyên truyền xung phong rải hàng vạn truyền đơn, kẻ khẩu hiệu và treo hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng. Theo chủ trương của Đảng, nhân dân và quân khời nghĩa buộc Bảo Đại phải đầu hàng cách mạng bằng hình thức thoái vị. Để làm áp lực đối với Bảo Đại, một cuộc mít tinh có hàng vạn người tham gia sẽ được tổ chức ở Ngọ Môn. Tuy thời gian gấp nhưng anh chị em giao thông đã đưa lệnh của Ủy ban khởi nghĩa về các cơ sở Đảng và mặt trận ở nội, ngoại thành kịp thời. Trước đó một bức điện của Chính phủ Lâm thời ngoài Hà Nội đánh vào yêu cầu Bảo Đại thoái vị cũng được anh chị em tìm cách trao cho Bảo Đại. Anh em viên chức ở các công sở Bưu Điện Huế, Bưu Điện Quảng Trị, Bưu Điện Quảng Bình được giác ngộ đã gây áp lực đòi chủ ngừng mọi sự liên lạc, cắt dây điện thoại, niêm phong tài sản thiết bị để bàn giao cho cách mạng. Nhóm cơ sở cách mạng ở Bưu Điện Huế gồm Lê Khánh Khang, Nguyễn Trọng Toại... bí mật lấy cắp tài liệu tin tức về tình hình quân số, vũ khí của Nhật cung cấp cho cách mạng.

 

Ở Quảng Nam (Hội An) khi chuẩn bị khởi nghĩa, cách mạng đã có liên hệ bí mật với một số viên chức Bưu Điện do đồng chí Trần Tường nắm giữ và chỉ đạo. Khi khởi nghĩa nổ ra nhóm này đã cắt đứt đường dây điện thoại của địch. Khởi nghĩa thành công, điện thoại được nối lại kịp thời phục vụ cách mạng.

 

Nhận được tin Hà Nội, Huế giành được chính quyền, Đảng bộ miền Nam quyết định chọn ngày 25/8/1945 làm ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Từ ngày 20/8/1945 cờ đỏ sao vàng được treo khắp thành phố. Nhưng ngày 23/8/1945, bọn thân Nhật định tổ chức một cuộc biểu tình ở Sài Gòn hoan nghênh Khâm sai bù nhìn về nhận chức. Xứ ủy Nam Kỳ chỉ thị cho các đội thanh niên xung phong, công đoàn, tự vệ và các tổ chức quần chúng phải tập trung để hành động phá cuộc biểu tình của bọn thân Nhật. Lực lượng giao thông của Xứ ủy Nam Kỳ nhanh chóng chuyển phát chỉ thị cho các Tỉnh ủy: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... Từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên vũ trang ở các tỉnh cùng nhân dân các khu lao động các quân nội thanh Sài Gòn đổ về trung tâm thành phố, biến thành một biển người, một rừng cờ cùng gậy gộc, giáo mác. Một cuộc mít tinh khổng lồ đã diễn ra. Bộ máy thống trị của địch bị đập tan, chính quyền từ đây thuộc về nhân dân lao động.

 

Ở Côn Đảo, qua đường bí mật thiết lập từ trước, tin cuộc tổng khởi nghĩa cả nước thắng lợi đến với Đảng bộ nhà tù. Một vạn chiến sỹ cách mạng bị giam cầm ở đây nổi dậy giành chính quyền làm chủ trên đảo.

 

Cách mạng tháng 8 thành công, Hồ Chủ Tịch và Chính phủ Lâm thời về Thủ đô Hà Nội, từ căn cứ địa Việt Bắc anh chị em giao thông ở các tuyến đường dây dẫn đường đưa Hồ Chủ Tịch về Vĩnh Phúc. Ngày 23/8/1945, đồng chí Hoàng Tùng Phụ, giao thông viên Xứ ủy Bắc Kỳ chở đò đưa Hồ Chủ Tịch từ Vĩnh Phúc xuôi theo sông Hồng về ngoại thành Hà Nội, rồi vào nội thành ở nhà số 148 phố Hàng Ngang. Ngôi nhà này từ sau ngày 23/8/1945 đến 02/9/1945 là nơi ở và làm việc của Chủ tịch hồ Chí Minh - nơi bác Hồ kính yêu của chúng ta đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đây trung tâm liên lạc trên phạm vi cả nước được mở ra từ Thủ đô Hà Nội.

Phòng Thi đua Truyền thống                 
(Trích lược từ cuốn Lịch sử Bưu Điện Việt Nam tập 1)

TIN KHÁC:
Mua hàng Online
Sản phẩm mới nhất
Quảng cáo - Đối tác
Dịch vụ điện hoa quà tặng
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Bảo hiểm Bưu điện
Tổng Cty Bưu chính Việt Nam

BƯU ĐIỆN TỈNH GIA LAI - Đơn vị thành viên của VNPost
Địa chỉ: 69 Hùng Vương - TP. Pleiku - Gia Lai, Điện thoại: (0269)3872062, Fax: (0269)3823029
Email: dhbc_gialai@vnpost.vn - Website: http://gialaipost.vn hoặc http://gialai.vnpost.vn